Bạn có bao giờ thấy một trẻ bị co giật chưa?. Khi ấy, mọi người xung quanh và bạn làm gì?. Nhằm giúp các bạn hiểu thêm về sốt cao co giật và cách xử trí tại nhà, chúng tôi đã trao đổi với Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1. …
Thưa bác sĩ, có phải tất cả trẻ em đều có nguy cơ co giật khi sốt cao ?
Sốt cao thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng. Co giật xảy ra thường do bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương (viêm màng não, viêm não). Tuy nhiên, thường gặp hơn là sốt cao co giật lành tính. Sốt cao co giật lành tính thường chỉ xảy ra ở những trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, gia đình có anh (em) hoặc bản thân bệnh nhi đó trước đây đã bị sốt cao co giật.
Thưa bác sĩ, các bậc phụ huynh cần làm gì khi trẻ đang bị co giật ?
Để xử trí một trẻ bị co giật tại nhà, các bạn nên thực hiện tuần tự những điều sau đây:
● Hãy bình tĩnh và đặt trẻ nằm nghiêng sang phải để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, không gây tắt đường thở khi bé đang co giật.
● Nếu trẻ đang sốt cao: cởi bỏ quần áo, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của bé (đặt đầu nhọn của viên thuốc vào trước và bóp hai mép hậu môn lại trong vài giây). Chỉ nên sử dụng paracetamol liều 10-15mg/ kg cân nặng mỗi 6 giờ.
Tuyệt đối KHÔNG được sử dụng aspirine. Lưu ý: KHÔNG nên cùng lúc vừa cho uống vừa đặt thuốc hạ sốt.
● Đưa bé đến bệnh viện ngay.
Xin bác sĩ cho biết những điều không nên làm khi xử trí một trẻ sốt cao co giật tại nhà ?
Những điều sau đây, các bậc phụ huynh KHÔNG nên làm:
● KHÔNG vắt chanh vào miệng trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường thở.
● KHÔNG quấn kín trẻ.
● KHÔNG lau mát bằng nước đá hoặc bằng rượu
Nguồn : Website Bệnh Viện Nhi Đồng I