Viết nhật ký cũng là một cách để các con được trải lòng với những chuyện vui buồn và những lúc cao trào trong tình cảm. Đó cũng là cách lưu giữ ký ức tuổi thơ sẽ theo con suốt cuộc đời.
Nhân lúc đọc đến trích đoạn “Mỗi ngày một hai câu, Nhật Ký phải viết đều” trong quyển “Em phải đến Harvard học kinh tế” của Lưu Vệ Hoa, mình lại nhớ đến nhật ký của 2 bé nhà mình. Nhất là nhật ký của bé nhỏ, nghĩ tới lại thấy vui và yêu. Nhà mình có thói quen viết nhật ký (có lẽ gen “nhiều chuyện” là gen trội 🙂 ). Một mình mẹ ôm 2 blog, còn nhật ký mỗi đứa … vài quyển :).
Nhật ký nên viết từ nhỏ
Con bắt đầu viết nhật ký từ năm cuối mẫu giáo, dưới hình thức hình dán, tranh vẽ. Vào lớp 1 bắt đầu các đoạn viết ngắn 1-3 dòng. Lớp 2 bắt đầu viết dài hơn. Nàng lớp 5 bây giờ mỗi lần viết gần cả trang giấy, văn tự khá gãy gọn, có lúc cao trào, có khi lâm li bi đát. Trải qua mấy năm, “tay nghề” viết lách của nàng gia tăng rõ rệt. Tâm hồn cũng vì thế mà trở nên phong phú.
Viết nhật ký là một cách thức để rèn luyện khả năng về ngôn ngữ và bồi dưỡng những tố chất tốt đẹp trong tâm hồn của các bé. Đồng thời, nhật ký cũng là cách để bọn trẻ được trải lòng với những chuyện vui buồn và những lúc cao trào trong tình cảm. Đó cũng là cách lưu giữ ký ức tuổi thơ!

Đọc “em phải đến Harvard học kinh tế” lại học thêm một điều mới: những câu chuyện dài có thể viết trong vòng vài ngày. Đây là cách luyện tập cho khả năng viết các bài viết dài ở các cấp học cao hơn sau này. Một số kinh nghiệm tích góp được trong quá trình tìm hiểu và hướng dẫn con viết nhật ký.
Hướng dẫn con cách viết nhật ký
1. Viết phải đều đặn để tạo thành thói quen.
2. Lúc còn bé, nhật ký có thể chỉ là hình vẽ hay hình dán. Lớp nhỏ thì viết ngắn gọn 1-2 câu, nhưng phải là những chuyện đặc biệt trong ngày. Tránh viết lan man, sa đà, sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng viết văn sau này. Lớn một chút sẽ có những đoạn mô tả cảm xúc chứ không phải chỉ có kể chuyện.
3. Nên để bé tự làm và trang trí nhật ký theo cách đặc biệt. Không nhất định phải dùng sổ hay tập. Nhật ký của con mình là giấy đủ màu cắt ra, mang ra tiệm đóng thành cuốn. Con mình cũng tự trang trí bìa.
4. Hướng dẫn bé thay đổi phong cách viết trong các bài khác nhau. Lúc thì nghiêm chỉnh, lúc thì lí lắc nhí nhảnh, lúc thì lãng mạn, lúc thì tường thuật, lúc thì tự truyện …vv. Như thế, bé sẽ luyện tập được kỹ năng viết lách và đề tài đa dạng.
5. Lúc con còn bé thì nhật ký công khai, có thể giúp con cách viết tốt hơn. Sau này con viết tốt rồi thì hoàn toàn tôn trọng quyền riêng tư.
Bạn nào tò: mò muốn biết về “Em phải đến Harvard học kinh tế” thì đọc thêm bài Review và các bài học rút ra từ tác phẩm đó nhé!
Disclosure: Trong bài viết này có những đường link giới thiệu sản phẩm. Khi bạn mua hàng qua những link đó, BlogNDC có thể sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để trang trải chi phí vận hành BlogNDC. Khoản tiền đó không tính vào giá bán sản phẩm. Bạn cũng không tốn thêm bất kỳ chi phí nào khi mua hàng qua những đường link này. BlogNDC chỉ giới thiệu những sản phẩm đáng tin cậy và/hoặc đã sử dụng có kết quả tốt.