Bé lớp 5 nhà mình có môn học Arts là một môn bắt buộc trong chương trình lớp 5. Cũng nói thêm là tất cả học sinh phải học và được chứng nhận 1 môn nghệ thuật ngoại khoá mới đủ điều kiện tốt nghiệp Cấp 3 theo quy định của bang Arizona.
Trong chương trình học, cô giáo môn mỹ thuật dạy bé nhiều kỹ thuật khác nhau. Mình rất ngạc nhiên khi bé lớp 5 đã được học một cách nghiêm túc các phương pháp vẽ, phối màu, cách tô màu nước…v.v. Chứ không chỉ học vẽ chơi chơi như hồi con mình học tiểu học bên nhà.
Mới đây, cô hướng dẫn bé một cách pha màu nước mình thấy khác với cách pha màu bên mình. Cô giáo gọi kỹ thuật này là “Wet on Wet”. Mình sẽ nói chi tiết cách tô màu nước Wet-on-Wet như thế nào, mọi người đọc và hướng dẫn bé cách làm nhé.
Cách tô màu nước Wet-on-Wet
Bên mình thường phải dùng khay pha màu với nước rồi mới vẽ. Nhưng với “wet on wet” thì mình không cần pha màu sẵn, mà pha trực tiếp trên bức tranh luôn.
Đầu tiên mình dùng cọ chấm nước quệt lên chỗ cần tô, lượng nước vừa ướt mặt giấy. Sau đó lấy cọ chấm màu nước khô, dạng bột nén, và tô lên chỗ ướt. Nếu muốn màu đậm hơn thì chấm thêm màu và vẽ chồng lên. Nếu muốn màu nhạt hơn thì quẹt thêm nước lên lớp màu đã tô. Trong Video này bé con nhà mình đã thực hiện thao tác tô màu cho các bé dễ làm theo.
Bức tranh chú chim bên dưới là con tập tô bằng kỹ thuật “wet on wet”. Mình thấy cách này gọn nhẹ, không phải pha màu lem luốc đầy khay, không lãng phí màu khi dùng không hết số màu đã pha. Bé cũng không phải pha lại lần hai mà chưa chắc gì ra đúng màu đã pha lần 1.
Quan trọng hơn là cách tô màu Wet-on-Wet này có nhiều sự tự do trong pha màu. Bé có thể điều chỉnh màu sắc ngay lập tức. Trong khi cách pha khay có phần giới hạn vì nhìn màu trong khay thấy như vậy nhưng chưa chắc đã lên đúng màu trên giấy.

Kỹ thuật tạo đốm loang cho tranh
Đây là bức tranh rong biển sử dụng kỹ thuật tạo các đốm loang. Bé nhà mình học vẽ ở Việt Nam khá lâu nhưng chưa được biết cách làm này. Đầu tiên, vẫn là vẽ màu mình muốn lên giấy, cũng dùng kỹ thuật “wet on wet”. Sau đó dùng bình xịt tưới hoa để xịt một lớp nước mỏng lên bức tranh.

Bước kế tiếp là rắc muối lên. Nên dùng hủ tiêu có nhiều lỗ to nhỏ khác nhau để sau này có được đốm loang to nhỏ theo ý muốn. Chờ một lát cho muối khô, rồi dùng móng tay cạo muối ra, ta sẽ có được những đốm loang như ý muốn. Chú ý, nếu muốn có vết loang rộng thì có thể xịt hơi nhiều nước hơn một chút thì muối sẽ tan và tạo vết to hơn.
Disclosure: Trong bài viết này có những đường link giới thiệu sản phẩm. Khi bạn mua hàng qua những link đó, BlogNDC có thể sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để trang trãi chi phí vận hành BlogNDC. Khoản tiền đó không tính vào giá bán sản phẩm và bạn không tốn thêm bất kỳ chi phí nào khi mua hàng qua những đường link này. BlogNDC chỉ giới thiệu những sản phẩm đáng tin cậy và/hoặc đã sử dụng có kết quả tốt.
Tham khảo về sản phẩm
Các bạn ở Mỹ có thể ghé trang Koi Watercolors của Sakura trên Amazon. Có nhiều sản phẩm như màu, bút vẽ, cọ và các dụng cụ khác. Riêng hộp 12 màu nén như con mình sử dụng thì đang giảm giá rất nhiều.Còn đây là giấy vẽ của Artist’s Loft có định lượng 140lbs/300gsm. Giấy này dùng cho màu nước mà bé nhà mình dùng, được mua trên Amazon, Ở Việt nam mình không thấy thương hiệu Artist’s Loft. Tuy nhiên, mình thấy giấy Happy loại dành cho họa sĩ rất phổ biến và nhận được nhiều đánh giá cao. Các bạn sử dụng thử xem sao nhé.
Bé còn học được nhiều kỹ thuật khác, hôm nào mình chia sẻ tiếp. Cho các bé nhà bạn làm thử xem, không khó đâu nhé! 🙂
Pingback: Clip hướng dẫn tô màu nước Wet on Wet – Blog Nuôi Dạy Con
Pingback: How kids can mix watercolor on the drawing – Blog Nuôi Dạy Con