Các bài học mình rút ra được từ quyển sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” và đúc kết dưới đây. Ba mẹ có thể áp dụng những bài học này cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Disclosure: Trong bài viết này có những đường link giới thiệu sản phẩm. Khi bạn mua hàng qua những link đó, BlogNDC có thể sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để trang trãi chi phí vận hành BlogNDC. Khoản tiền đó không tính vào giá bán sản phẩm và bạn không tốn thêm bất kỳ chi phí nào khi mua hàng qua những đường link này. BlogNDC chỉ giới thiệu những sản phẩm đáng tin cậy và/hoặc đã sử dụng có kết quả tốt.
CÁC BÀI HỌC CHO CON GIAI ĐOẠN TIỂU HỌC
Quyển sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” ghi lại quá trình nuôi dạy con từ nhỏ của bố mẹ Diệc Đình nên 17 bài học rút ra này có thể áp dụng ngay cho con từ lúc còn rất bé.
1. Biết chịu đựng những lời gièm pha & giễu cợt để rèn luyện khả năng thích ứng
– Có trách là trách bản thân, chứ không trách người khác hay đổ thừa hoàn cảnh.
– Đã là những vấn đề chúng ta không thay đổi được thì phải tự điều chỉnh mình để thích ứng với chúng. Ví dụ: rèn luyện khả năng tập trung học trong lúc ồn ào.
2. Rèn luyện tác phong độc lập – một trong các bài học quan trọng cho con
– Luyện thói quen tôn trọng thời gian học tập.
– Tạo thói quen nghỉ ngơi tích cực.
– Thói quen làm bài độc lập.
– Thói quen sử dụng sách tham khảo.
– Rèn thói quen dám nhìn thẳng vào sai lầm.
– Học thói quen bảo vệ đôi mắt.

3. Coi trọng an toàn, phòng tránh mọi tai nạn
– An toàn điện, an toàn gas.
– Thoát hiểm, hỏa hoạn.
4. Mỗi ngày một hai câu, nhật ký phải viết đều
– Tập thói quen viết nhật ký mỗi ngày để trau dồi khả năng viết văn, phát triển các tố chất và bồi dưỡng tâm hồn tốt đẹp.
5. Muốn thành đạt sớm, phải biết tự lập từ nhỏ
– Nên mạnh dạn cho trẻ một số “quyền” để tự làm và tự quyết định các vấn đề của mình. Miễn sao đảm bảo an toàn, không gây nguy hiểm. Khi trẻ tháo vát thì cha mẹ đỡ lo lắng.
– Tập làm việc nhà: lau chùi nhà cửa, tưới rau, rửa bát, nấu cơm, đổ rác …
6. Các bài học về rèn luyện ý chí, cần cù chăm chỉ, cần thận
– Phải biết đặt mục tiêu và theo đuổi đến cùng. Có yêu cầu cao thì mới tiến bộ.
– Chăm chỉ, cần cù + có phương pháp = Thành công.
– Rèn tính cẩn thận bằng cách sao chép số điện thoại (tay trái chỉ, tay phải chép). Bấm đồng hồ xem 1 phút chép được bao nhiêu số.
– Rèn tính nhẩm nhanh bằng cách cộng điểm của các lá bài. Bấm đồng hồ xem 1 phút cộng được bao nhiêu lá bài. Sau đó đổi sang phép toán trừ.
– Rèn viết nhanh bằng cách chép chữ hoặc đồ chữ có nét.
– Tập thói quen sửa lời văn cẩn thận. Lập danh sách các từ vựng hay có thể dùng để bài văn hay hơn.
7. Rèn luyện sức khỏe dẻo dai, sức chịu đựng và thích nghi sinh lý
– Phải rèn luyện thể dục, nhảy dây, chạy bộ để tăng sức bền.
– Bài tập nắm chặt cục nước đá trong 15 phút. Đứng kiễng chân trong 30 phút. Đứng tư thế gà co chân trong 30 phút.
8. Hun đúc tâm hồn
– Kể chuyện hằng đêm trước khi đi ngủ. Kể về các tấm gương sáng, các danh nhân, các câu chuyện đẹp về tâm hồn.
9. Viết cảm tưởng về quyển sách đã đọc
– Viết về nhân vật trong sách mà con có ấn tượng nhất.
– Cần tập đọc, phân tích “lời nói đầu” và “lời kết” trong sách để tóm lại cốt truyện.
– Tìm đọc các lời bình luận về quyển sách để tìm hiểu thêm về tác giả và làm quen với các thể loại văn nghị luận.

10. Trường chuyên, lớp chọn
– Trường chuyên, lớp chọn, các cuộc thi Olympic, Học Sinh Giỏi các cấp là môi trường cạnh tranh cao để tạo ra phong thái cạnh tranh. Tiêu diệt ý nghĩ “ếch ngồi đáy giếng” và sự nhụt chí.
11. Bồi dưỡng ngoại ngữ – Những bài học nên chú trọng
– Tập nói song ngữ ở nhà và ở trường.
– Đọc truyện bằng tiếng Anh viết về các nhân vật phương Tây . Vừa để học thêm tiếng anh, vừa để hiểu biết về văn hóa & lịch sử phương tây.
12. Lựa chọn sách đúng đắn
Cách giúp loại bỏ sở thích đọc các truyện tranh nhảm nhí không bồi dưỡng nhân cách và văn phong:
- Cha mẹ tìm hiểu về sở thích của con, “làm bạn với con trước, sau mới làm thầy”. Đối với trẻ con, quan tâm tới sở thích của chúng sẽ nhận được đồng cảm hơn so với việc quan tâm đến lợi ích của chúng
- Không ngăn cấm ngay từ ban đầu, mà cùng xem, cùng bình luận.
- Trong quá trình đó, tìm cơ hội phản công. Chỉ ra những điểm tiêu cực và tác hại, từ từ thay đổi suy nghĩ và sở thích
CÁC BÀI HỌC DẠY CON GIAI ĐOẠN TRUNG HỌC
Thời kỳ Trung học là thời điểm các con bắt đầu dậy thì thể chất cũng phát triển vượt trội, tâm sinh lí cũng thay đổi rõ rệt. Ba mẹ nên theo dõi tình hình của con và có thể áp dụng các bài học như sau:
1. Những bài học và giải pháp cho “thời kỳ chống đối”
Trẻ trong thời kỳ này xa lánh cha mẹ, muốn “giành độc lập tự do” để chúng tự “lèo lái con thuyền của mình”. Nhưng đó lại là mảnh đất màu mỡ và cha mẹ phải biết lao động cần cù lao động trên mảnh đất đó. Với các bài học mình nghiệm ra sẽ giúp ba mẹ hiểu và áp dụng cho con ở độ tuổi dậy thì.
– Chuẩn bị đối sách từ sớm :
- Tạo thói quen “giao lưu” cùng cha mẹ, tạo không khí bình đẳng trong gia đình.
- Bồi dưỡng cho con thói quen biết nghe theo lời nói thật, dù khó nghe.
- Luôn giữ bình tĩnh, kể cả trong tranh luận. Cha mẹ không nên hạn chế quyền phát ngôn của trẻ, nếu trẻ nói sai thì đợi trẻ nói xong mới góp ý, chỉnh sửa.
- Có quan điểm đúng đắn ngay từ nhỏ để khi trẻ không chia sẻ với cha mẹ thì tự mình cũng quyết định đúng và làm đúng.
- Lập chí từ việc biết quan tâm tới người khác. Chỉ khi quan tâm tới người xung quanh, thế giới xung quanh, thì mới hình thành được sứ mệnh của bàn thân trẻ, mới hướng tới một tầm cao hơn.
– Yêu đương sớm – phòng ngừa từ trước lúc manh nha
- Phim ảnh, tiểu thuyết tình yêu chỉ là trò mua vui, chứ không phải là sách giáo khoa cho cuộc sống.
- Trò chơi tình yêu, vào thì dễ, rút ra thật khó.
- Đừng vì trò đùa gán ghép của bạn bè mà tự mình biến đùa thành thật, cũng đừng để người khác hiểu lầm mà mơ mộng hão huyền.
- Yêu đương sớm tất sẽ ảnh hưởng đến mục đích phấn đấu.
– Con gái càng đẹp càng nguy hiểm
- Thường xuyên khen cháu đẹp để làm quen, không bị xao động trước lời đường mật.
- Dù có đẹp cũng không được cộng điểm trước các kỳ thi cử, ăn mặc giản dị, đi đứng nói năng chừng mực
– Biện pháp khi trẻ không chịu nói chuyện trực tiếp để thảo luận 1 vấn đề: viết giấy
Các bài học ở đây là cha mẹ cần chủ động điều chỉnh phương pháp giao tiếp với con và tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Trao đổi mọi việc trên tinh thần bình đẳng.
- Nói chuyện với con như nói chuyện với đồng nghiệp.
- Yêu cầu con nói chuyện với cha mẹ như nói chuyện với thầy cô giáo trong trường.
- Kiên trì chờ đợi “đồng nghiệp” của mình thành người bạn tri kỷ.
- Thỏa mãn có giới hạn, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, trao quyền tự chủ cho con.
- Thừa nhận có sự cách biệt giữa 2 thế hệ, cùng tôn trọng lẫn nhau.
- Phải kiên quyết khắc phục, không được nóng nảy vội vàng.
- Nên răn đe từ trước, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
- Thừa nhận cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng. Khi tranh luận cũng phải xem mình đúng hay sai.
2. Phương pháp học tốt – Các bài học giúp con nắm vững kiến thức
– Tăng cường khả năng tự học.
– Kỹ năng ghi nhớ một cách có hệ thống : ôn tập trong vòng 16 tiếng đồng hồ; phân đoạn ra học; gom các thuật ngữ tương tự …
– Học có trọng điểm: Ghi nhớ các hạn mục chính, hạn mục nhỏ rồi mới tới nội dung bên trong.
– Biết cách học “lấp lỗ hổng” : Mở 1 quyển sổ tay ghi những kiến thức nào chưa nắm kỹ. Sau đó dành thời gian tìm hiểu thêm và tập trung ôn các phần này khi thi cử.
3. Giải quyết các mối quan hệ bằng thái độ chín chắn
– Dạy con xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ bạn bè, thầy cô bằng thái độ chín chắn, nhẹ nhàng, khoan dung, nhân ái.
– Chú ý nguyên tắc “chê trách cái sai người khác không nên quá gay gắt, cốt để người ta có thể tiếp thu được. Nước trong quá thì không có cá, người yêu ghét rạch ròi quá thì ít bạn dám lại gần”.
4. Các bài học về mọi trò bịp bợm để đảm bảo an toàn bản thân
Ngoài các bài học kể trên, ba mẹ cũng nên kể cho con nghe các tình huống thực tế về các trò lừa đảo để con cảnh giác.
– Hai điều quan trọng:
- Không đi vào nơi cảm thấy không an toàn.
- Không tham mồi bắt bóng: không nghe lời đường mật dụ dỗ. Không tham lam của cải không phải của mình để đi theo người khác, biết tránh xa sự cám dỗ.
5. Các bài học về biện pháp giúp con đảm bảo sức khỏe trong quá trình học tập căng thẳng
– Thực đơn bổ dưỡng cho đại não: Albumin & vitamin dễ tiêu hóa, trái cây.
– Dùng tiền mua thời gian.
– Thực phẩm chức năng.
Mời ba mẹ ghé qua Fanpage Blog Nuôi Dạy Con để đọc thêm các bài viết mới nhé!